T5, 07 / 2024 10:25 chiều | ngocdiep

Kế toán thuế và kế toán nội bộ là hai nghiệp vụ kế toán cơ bản thường thấy trong doanh nghiệp, được phân biệt bởi công việc, nhiệm vụ cần thực hiện. Tùy vào đặc điểm của từng công ty, kế toán thuế và kế toán nội bộ có thể do cùng một người hay nhiều người đảm nhiệm. Để phân biệt rõ hơn giữa kế toán thuế và kế toán nội bộ, quý khách hãy tham khảo bài viết sau của chúng tôi.

Kế toán thuế và kế toán nội bộ của doanh nghiệp
  1. Kế toán thuế doanh nghiệp

Kế toán thuế là người chuyên xử lý các nghiệp vụ liên quan đến thuế cho doanh nghiệp, Kế toán thuế đóng vai trò là cầu nối, liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nước. Thông qua công việc của kế toán thuế, nhà nước có thể quản lý được nền kinh tế dễ dàng hơn và giúp cho doanh nghiệp kinh doanh một cách ổn định, thực hiện báo cáo thuế đúng, tuân thủ minh bạch, rõ ràng theo quy định của nhà nước.

Doanh nghiệp có thể thuê dịch vụ kế toán thuế bên ngoài hoặc tuyển dụng riêng nhân viên kế toán.

Nghiệp vụ của kế toán thuế bao gồm các công việc:

  • Lập tờ khai thuế môn bài để nộp đầy đủ thuế môn bài cho nhà nước.
  • Tập hợp chứng từ, hóa đơn phát sinh để theo dõi, hạch toán chi tiết.
  • Lập báo cáo thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và nộp thuế cho cơ quan nhà nước vào cuối tháng.
  • Lập báo cáo thuế theo từng tháng của quý, báo cáo thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng, báo cáo sử dụng hóa đơn.
  • Lập báo cáo thuế, báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán thuế thu nhập cá nhân vào cuối năm.
  • Trực tiếp làm việc với cơ quan thuế về các vấn đề thuế của doanh nghiệp khi có phát sinh yêu cầu công việc

Trách nhiệm của kế toán thuế cũng gắn liền với việc thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến thuế như:

  • Lập báo cáo tổng hợp thuế
  • Làm việc trực tiếp với cơ quan thuế khi có yêu cầu.
  • Kiểm tra, đối chiếu hóa đơn GTGT với bảng kê đầu ra, đầu vào.
  • Theo dõi, báo cáo tình hình ngân sách, hoàn thuế của doanh nghiệp
  • Phối hợp với nhân viên kế toán tổng hợp để thực hiện một số nghiệp vụ kế toán tổng hợp như đối chiếu sổ sách, số liệu báo cáo thuế giữa các cơ sở, giữa quyết toán và báo cáo.
  • Cập nhật thông tin về sự thay đổi của Luật thuế, các Nghị định, Thông tư mới ban hành có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
  1. Kế toán nội bộ

Kế toán nội bộ thực hiện nhiệm vụ tập hợp toàn bộ các phát sinh thực tế, bao gồm cả những phát sinh không có chứng từ, hóa đơn để xác định lãi, lỗ của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Công việc của kế toán nội bộ được thực hiện hàng ngày, cụ thể:

  • Phát hành, kiểm tra tính hợp pháp của chứng từ kế toán nội bộ, đồng thời luân chuyển theo đúng trình tự.
  • Hạch toán chứng từ kế toán nội bộ doanh nghiệp.
  • Lưu trữ tất cả chứng từ nội bộ một cách hợp lý, an toàn.
  • Lập báo cáo định kỳ theo tuần, tháng, quý hoặc theo yêu cầu của Ban lãnh đạo.
  • Kiểm soát và phối hợp thực hiện tất cả công việc liên quan đến các kế toán nội bộ khác.

Trách nhiệm của kế toán nội bộ cũng gắn liền với các hoạt động bên trong doanh nghiệp như sau:

  • Đảm bảo tính chính xác của chứng từ, báo cáo nội bộ.
  • Phối hợp linh hoạt với kế toán thuế, kế toán tổng hợp để hoàn thành công việc có liên quan.
Kế toán thuế và kế toán nội bộ của doanh nghiệp

Từ những phân tích ở trên, có thể thấy sự khác biệt cơ bản giữa kế toán thuế và kế toán nội bộ là các nghiệp vụ cần thực hiện. Trong khi kế toán thuế làm việc và chịu trách nhiệm về báo cáo liên quan đến cơ quan Thuế của doanh nghiệp thì kế toán nội bộ thực hiện tập hợp, xử lý toàn bộ thông tin kinh doanh của doanh nghiệp làm căn cứ xác định lãi, lỗ. Công việc của kế toán thuế và kế toán nội bộ bổ trợ cho nhau, giúp doanh nghiệp hoạt động đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguồn tài chính cho các hoạt động của doanh nghiệp.

Trong các doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, không phát sinh nhiều hóa đơn chứng từ, công việc của kế toán không quá nhiều nên không cần thiết phải rạch ròi kế toán thuế và kế toán nội bộ. Doanh nghiệp có thể thuê một kế toán riêng hoặc dịch vụ kế toán thực hiện tất cả các công việc của kế toán công ty. Việc thuê kế toán dịch vụ giúp quý khách tiết kiệm được chi phí, thời gian mà vẫn đảm bảo các nghiệp vụ kế toán được thực hiện đúng, đầy đủ.

 

Bài viết cùng chuyên mục